Home » , , , » Tắc đường thì leo vỉa hè, đụng xe là… “chiến”

Tắc đường thì leo vỉa hè, đụng xe là… “chiến”

Câu chuyện thiếu ý thức khi tham gia giao thông ở Hà Nội không chỉ bộc lộ ở việc đi sai làn, đi vào đường ngược chiều mà còn ở những hành vi không đẹp mắt khác: Động tắc đường là leo xe lên vỉa hè; trong khi đó số khác cứ đụng xe là… “chiến”.

Tắc đường, vỉa hè cũng….tắc

Từ lâu câu chuyện tắc đường ở Hà Nội đã quá quen thuộc với những người đang sinh sống và làm việc tại Thủ đô này. Việc tắc đường quen thuộc đến nỗi nhiều người tham gia giao thông có thể lập trình cho mình giờ nào thì tắc ở đường nào và giờ nào thì việc đi lại được thông thoáng hơn. Thế nhưng, xung quanh chuyện tắc đường ở Hà Nội cũng cho thấy nhiều hành vi thiếu ý thức khi tham gia giao thông.

Đầu tiên phải kể đến là cảnh chen lấn. Bao giờ cũng vậy, khi đường chỉ hơi ùn ứ do lưu lượng người tham gia giao thông cùng một thời điểm quá đông nhưng tâm lý không ai chịu ai khiến nhiều người muốn vượt lên trước và bắt đầu diễn ra cảnh chen lấn.

Và cũng để vượt lên trước một số người không ngại đi lấn làn sang làn đường đối diện và dần dần lấn gần hết phần đường ngược chiều, hậu quả là gây tắc đường. Đáng tiếc, sau khi đường đã tắc đường nhiều người lại ra sức chen lấn để tìm lối thoát dẫn đến hậu quả là đường đáng ra chỉ bị ùn ứ nhưng lại bị rơi vào cảnh tắc nghẽn trầm trọng.

Không chỉ vậy, nhiều người tham gia giao thông ở Hà Nội còn có thói quen hễ tắc đường là lao lên vỉa hè. Câu chuyện thiếu ý thức khi tham gia giao thông trong những đám tắc đường ở Hà Nội bộc lộ rõ nét nhất vào giờ cao điểm cuối buổi chiều ngày 9/7 trên phố Chùa Bộc (Quận Đống Đa).


Tắc đường thì leo vỉa hè, đụng xe là… “chiến”

Đã thành thói quen cứ dưới lòng đường tắc thì nhiều tuyến vỉa hè của Hà Nội cũng tắc cứng do xe máy leo lên vỉa hè. Ảnh: Xuân Tùng

Đã thành thông lệ, cứ tầm 5h chiều, khi dân công sở tan sở về nhà, tuyến đường này lại rơi vào cảnh ùn tắc giao thông kinh niên. Thế nhưng, cứ dưới lòng đường ùn ứ, nhiều người lại điều khiển xe máy leo lên ngay vỉa hè để tìm đường thoát.

So với các tuyến phố khác, vỉa hè tuyến này khá rộng rãi, nhưng cũng chính vì rộng nên nó được dành một phần đáng kể để để xe và một diện tích không nhỏ để các chị hàng quần áo, dày dép vỉa hè bán hàng…

Thế nhưng, bất chấp cảnh đông đúc trên vỉa hè, cứ động ùn ứ dưới lòng đường nhiều người lại phóng xe leo lên vỉa hè để mong sớm vượt khỏi đám ùn ứ. Ban đầu, một người leo lên, tiếp ngay sau đó 2 người rồi đến cả chục người… Chẳng mấy chốc trên vỉa hè cũng chật cứng xe cộ do “tắc vỉa hè”.

“Chiều nào cũng vậy cứ tầm 4h30 – 6h chiều tuyến đường này rất hay xảy ra ùn tắc. Do lòng đường bé cho nên cứ động tắc là hàng trăm xe máy lại leo lên vỉa hè chen lấn. Nhiều hôm tôi bán hàng trong cửa hàng muốn ra ngoài cũng không thể len ra được vỉa hè vì cảnh chen lấn”, chị Thu Minh, nhân viên bán hàng tại shop quần áo thời trang trên phố Chùa Bộc cho biết.

Vẫn biết rằng đường tắc, vỉa hè rộng không leo lên thì đi đâu nhưng điều đó cũng cho thấy những hình ảnh không đẹp mắt khi tham gia giao thông.

Va chạm giao thông là…. “chiến”.

Trung tuần tháng 5, đang đi trên đường Phạm Ngọc Thạch, anh Kiên cùng một người bạn điều khiển xe máy đang chạy phía trước thì bất ngờ bị một thanh niên điều khiển xe Wave S đầu không đội mũ bảo hiểm phía sau đâm vào đuôi xe. Chỉ vừa buông lời cằn nhằn “đi kiểu gì mà ghê thế”. Nam thanh niên điều khiển xe Wave S liền táp ngay xe máy vào lề đường, rút chiều khóa mở cốp xe: “Mày thích đi ghê hả”.

Đã từng đọc báo, chứng kiến nhiều vụ đâm chém nhau do va chạm giao thông, biết đối tượng không phải bình thường, anh Kiên đành xin lỗi nam thanh niên đi xe nhưng vẫn bị túm cổ, chửi bới và doạt nạt một hồi.

Sự việc đáng tiếc nói trên không chỉ xảy ra với anh Kiên mà đang là nỗi sợ hãi của không ít người tham gia giao thông ở Thủ đô.

Chỉ cần search google về cụm từ hỗn chiến do va chạm giao thông trong 0,36 giây trang tìm kiếm này đã cho ra kết quả khó tin: có đến 554.000 tin liên quan, trong đó 2/3 số này xảy ra ở Thủ đô Hà Nội.

Với kết quả này, không cần nói cũng đủ thấy tham gia giao thông ở Thủ đô đang nguy hiểm thế nào. Chỉ cần một va chạm nhỏ có thể gây ra án mạng. Hàng loạt những vụ án mạng do va chạm giao thông thời gian gần đây đã cho thấy rõ điều đó. Trên mặt các tờ báo, cứ vài tuần thậm chí là tuần nào người ta cũng đọc được tin về vụ đâm chém nhau do va chạm giao thông trên đường phố.


Tắc đường thì leo vỉa hè, đụng xe là… “chiến”

 Những hung khí khi tham gia giao thông bị Công an Hà Nội thu giữ. Ảnh: Xuân Tùng

Thậm chí, để hạn chế tình trạng ra đường là mang hung khí của một bộ phận thanh niên, Công an Hà Nội đã phải lập tổ cảnh sát 141 tập trung cảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động, cảnh sát hình sự chuyên đi kiểm tra phương tiện, tịch thu hung khí khi tham gia giao thông.

Chỉ trong một thời gian ngắn, 5 tổ tuần tra kiểm soát giao thông của Công an Hà Nội đã kiểm tra, phát hiện và thu giữ hàng nghìn hung khí khi tham gia giao thông trên đường. Theo báo cáo của Công an Hà Nội, sau 2 tháng triển khai, các tổ công tác đặc biệt đã bàn giao 472 trường hợp có dấu hiệu phạm tội cùng 366 tang vật gồm các loại vũ khí, “hàng nóng" cho tổ xử lý để phân loại, xác minh.

Đã từng có dịp chứng kiến tận mắt những hung khí này do Công an Hà Nội thu giữ được của những người tham gia giao thông trên đường phố Thủ đô, người viết không khỏi bàng hoàng về mức độ nguy hiểm.

Những con dao găm nhọn hoắt, sắc lẹm; những thanh kiếm dài hơn 1m, những khẩu súng trường tự chế rất thô sơ nhưng có tính sát thương rất cao; những con dao lớn, nhỏ đủ kiểu... Những hung khí này, nếu không được thu giữ, rất có thể mỗi một hung khí đã cướp đi mấy mạng người khi va chạm giao thông.

Theo vnmedia.vn
QR Code blogger
Đăng ký qua RSS Feed Nếu bạn thích Blog này chỉ cần nhấp vào đây, hoặc đăng ký để nhận nội dung qua email.
-->